Sùi mào gà là một trong số những bệnh da liễu lây truyền qua đường tình dục thường gặp, nếu không điều trị sớm, bệnh tiến triển có thể gây những biến chứng nguy hiểm. Vậy triệu chứng bệnh sùi mào gà là gì, dấu hiệu nhận biết ra sao và phòng tránh, chữa bệnh sùi mào gà như thế nào? Mời bạn đọc cùng tìm hiểu các thông tin dưới đây.

Bệnh sùi mào gà là gì?

Sùi mào gà (hay sùi mào gà sinh dục) là tên gọi chỉ một bệnh lây truyền qua đường tình dục hay gặp, do virus HPV gây ra. HPV là loại virus thuộc nhóm có DNA và nhân lên trong tế bào thượng bì. Người bị bệnh, thường xuất hiện tổn thương trên da ở bộ phận sinh dục với các nốt sần sùi nhỏ li ti màu hồng nhạt, trông giống như mào gà.

Các nốt tổn thương này có thể phát triển nhanh và lan rộng thành từng mảng nếu người bệnh không kịp thời nhận biết và điều trị.

sùi mào gà với các nốt sần nhỏ li ti
Triệu chứng bệnh sùi mào gà và cách phòng trị (Nguồn: Internet).

Nguyên nhân gây bệnh sùi mào gà

Sùi mào gà do virus HPV gây ra, nó lan truyền từ người này sang người khác bởi các tiếp xúc da, niêm mạc thông thường. Hiện nay đã phát hiện ít nhất 35 loại virus HPV gây bệnh sinh dục khác nhau, mỗi chủng virus khác nhau lại gây các triệu chứng bệnh tại các khu vực khác nhau trên cơ thể.

Nguyên nhân gây sùi mào gà được liệt kê theo 2 nhóm chính sau:

Nhóm 1: Quan hệ tình dục không an toàn với người mang bệnh: Virus HPV khu trú trên da và niêm mạc (chủ yếu ở khu vực sinh dục), nên việc quan hệ tình dục không an toàn (không dùng bao cao su) làm tăng mức độ tiếp xúc da, niêm mạc giữa người mang bệnh và bạn tình, tạo điều kiện cho virus lây truyền từ người này sang người khác.

Nhóm 2: Lây bệnh từ người khác mà không qua quan hệ tình dục.

  • Dùng chung đồ dùng cá nhân với người có HPV.
  • Lây qua các tiếp xúc ngoài da qua các hành động ôm hôn, tiếp xúc tay chân,…với người mang bệnh.
  • Lây bệnh qua các dụng cụ, thiết bị y tế không được tiệt trùng cẩn thận.
  • Với trẻ em: sức đề kháng còn yếu, hệ miễn dịch chưa hoàn thiện, do đó khi tiếp xúc với các nguồn mang virus ( dụng cụ, đồ dùng của người có HPV, người chăm sóc đang mang bệnh,…) cũng rất dễ lây nhiễm.
  • Trẻ em cũng có thể mang bệnh nếu người mẹ trong quá trình mang thai nhiễm virus nhưng không phát hiện và điều trị kịp thời.
mẹ mắc sùi mào gà
Người mẹ mắc sùi mào gà có nguy cơ lây sang con khi sinh ra (Nguồn: Internet).

Triệu chứng của bệnh sùi mào gà

Một trong số những lí do nhiều người mắc sùi mào gà để bệnh tiến triển nặng là bởi không kịp thời phát hiện các triệu chứng khi bệnh đang còn ở giai đoạn đầu, ở giai đoạn muộn việc điều trị gặp nhiều khó khăn và kém hiệu quả. Vậy các dấu hiệu nhận biết sùi mào gà là gì?

  • Sùi mào gà đặc trưng bởi các tổn thương trên da và niêm mạc với đường kính các thương tổn từ 1-10 mm. Các tổn thương có thể tạo thành từng đám, từng mảng lớn.
  • Về các loại thương tổn, dựa vào đặc điểm và vị trí, được chia thành các loại:

+ Sùi mào gà nhọn: có hình dạng chẽ ngón với nhiều mạch máu nhỏ nên rất dễ chảy máu, thường có ở những vị trí như bao qui đầu, lỗ miệng sáo, môi nhỏ, tiền đình âm đạo, âm đạo, cổ tử cung, hậu môn và trong hậu môn. Ngoài ra còn có thể thấy ở bẹn, đáy chậu.

sùi mào gà nhọn
Sùi mào gà dạng nhọn không hiếm gặp (Nguồn: Internet).

+ Sùi mào gà dạng sần: sần màu đỏ nâu nhạt, nhiễm sắc, có lớp sần sừng hóa và không có dạng ngón tay như thể nhọn. Tổn thương dạng này thường xuất hiện ở vùng biểu mô sừng hoá như mặt ngoài bao da qui đầu, thân dương vật, bìu, hai bên âm hộ, mu, đáy chậu và quanh hậu môn.

sùi mào gà sần
Sùi mào gà dạng sần (Nguồn: Internet).

+ Tổn thương dát: tổn thương ở niêm mạc với màu xám trắng nhạt, đỏ hồng nhạt hoặc màu đỏ nâu.

sùi mào gà đám
Sùi mào gà với các tổn thương mọc thành từng đám (Nguồn: Internet).

+ Sùi mào gà khổng lồ: hiếm gặp, có khả năng ăn sâu xuống vùng dưới bề mặt da

  • Tùy theo màu sắc có thể phân biệt các dạng sùi mào gà: dạng không sừng hóa có màu hồng tươi hay đỏ, dạng sừng hóa màu xám trắng, các tổn thương nhiễm sắc có màu tro xám, nâu đen.
  • Người bệnh có thể gặp tình trạng ngứa, đau rát hay chảy máu ở vùng có sùi mào gà.
  • Vị trí tổn thương giữa 2 giới cũng có sự khác biệt

+ Sùi mào gà ở nam giới: thường gặp ở dương vật, vành qui đầu, hãm dương vật, mặt trong bao qui đầu, bìu.

+ Sùi mào gà ở nữ giới: xuất hiện ở hãm môi âm hộ, môi bé, môi lớn, âm vật, lỗ niệu, vùng đáy chậu, hậu môn, âm đạo và mặt ngoài cổ tử cung. Phụ nữ sùi mào gà có triệu chứng ra khí hư có thể do kèm theo viêm nhiễm âm đạo.

  • Bên cạnh các vị trí trên, sùi mào gà còn có thể thấy ở môi, họng, vòm họng (thường gặp ở những người có tiền sử tình dục đường miệng) hay ở các ngón tay, ngón chân. Ở các vị trí này, các nốt tổn thương có màu hồng trông gần giống mụn cóc, mọc gần nhau thành từng đám.

Sùi mào gà xuất hiện ở nhiều vị trí khác nhau trên cơ thể với nhiều dạng khác nhau nên người mang bệnh cần lưu ý quan sát, nhận biết để tránh nhầm lẫn khi phân biệt với các bệnh ngoài da khác.

Cách phòng chống và chữa trị bệnh sùi mào gà

Cách chữa bệnh sùi mào gà

Điều trị sùi mào gà ngay từ giai đoạn đầu giúp tăng khả năng khỏi bệnh và hạn chế các biến chứng. Tuy nhiên, có nhiều cách chữa sùi mào gà khác nhau, cần căn cứ điều kiện cụ thể từng người bệnh, độ tuổi, số lượng, mức độ thương tổn gặp phải,…để lựa chọn phương pháp trị liệu phù hợp nhất.

Có 2 hướng điều trị chính:

Người bệnh tự bôi thuốc tại nhà theo chỉ dẫn của bác sĩ

kem bôi sùi mào gà
Podophylotoxin 0,5% kem bôi chữa sùi mào gà (Nguồn: Internet).

Với cách điều trị này, người bệnh có thể tự điều trị , chữa bệnh sùi mào gà tại nhà theo chỉ dẫn của bác sĩ mà không cần phải điều trị nội trú tại cơ sở y tế.

  • Podophylotoxin 0,5% là thuốc chống phân bào, dạng dung dịch hoặc kem, có thể bôi mà không cần rửa và ít gây độc toàn thân, bôi 2 lần/ngày bằng tăm bông, bôi 3 ngày liên tiếp rồi nghỉ 4 ngày, điều trị một đợt 4 tuần.
  • Kem imiquimod 5% bôi bằng tay 3 lần/tuần, tới 16 tuần. Sau khi bôi 6-10 giờ phải rửa bằng nước và xà phòng nhẹ, lần đầu sử dụng cần được hướng dẫn cụ thể và cần khám định kỳ để theo dõi và đánh giá hiệu quả điều trị.

2 thuốc trên không sử dụng bôi các tổn thương ở quanh hậu môn, trực tràng, niệu đạo, âm đạo và cổ tử cung. Hạn chế dùng với phụ nữ có thai.

Điều trị tại cơ sở y tế

  • Bôi podophyllin hay Trichloroacetic (TCA) hoặc bichloroacetic (BCA) 80-90%, hay Tiêm interferon hoặc 5-fluorouracin/cấy epinephrine gel,… các thuốc và cách điều trị này cần các thao tác cụ thể, yêu cầu có sự thực hiện và giám sát bởi các nhân viên y tế, người bệnh không tùy ý sử dụng khi chưa có chỉ định từ bác sĩ.
  • Các biện pháp khác: nạo thương tổn, phẫu thuật cắt bỏ thương tổn, phẫu thuật điện, laser, làm lạnh để phá hủy thương tổn bệnh và một vùng nhỏ tổ chức xung quanh

Các cách chữa bệnh sùi mào gà hầu như đều có thể gây kích ứng, đau hay khó chịu, nếu áp dụng đợt trị liệu 6 tuần với một phương pháp chưa thấy hiệu quả, cần chuyển sang phương pháp trị liệu khác theo hướng dẫn của chuyên gia y tế.

Cách phòng chống bệnh sùi mào gà

tiêm vacxin phòng tránh sùi mào gà
Tiêm vacxin HPV phòng tránh sùi mào gà (Nguồn: Internet).

Sùi mào gà là bệnh lây nhiễm, hoàn toàn có thể phòng tránh và hạn chế nguy cơ mắc bệnh nếu thực hiện các biện pháp sau:

  • Quan hệ tình dục an toàn, quan hệ sử dụng bao cao su.
  • Không quan hệ tình dục với các đối tượng chưa biết rõ tình trạng sức khỏe, ngừng quan hệ tình dục khi phát hiện bạn tình mang bệnh, hỗ trợ, động viên bạn tình điều trị bệnh trước khi tiếp tục quan hệ.
  • Tiêm vacxin phòng nhiễm virus HPV.
  • Với điều trị sùi mào gà tại cơ sơ y tế, các thiết bị sử dụng cần tiệt trùng đảm bảo theo yêu cầu sau mỗi lần trị liệu để tránh lây nhiễm chéo các bệnh nhân, với các trị liệu bằng đốt điện thì kim đốt chỉ dùng 1 lần.
  • Khám sức khỏe định kỳ để sớm phát hiện bệnh, đi khám tại cơ sở y tế nếu thấy các biểu hiện bất thường nghi ngờ liên quan đến bệnh.
  • Vệ sinh sạch sẽ bộ phận sinh dục, đặc biệt là trước và sau khi quan hệ.
  • Ăn uống điều độ, tập luyện thể dục thể thao, nâng cao sức đề kháng và khả năng miễn dịch của cơ thể.

Một số bài viết về các bệnh lây truyền qua đường tình dục bạn đọc có thể tham khảo:

Hi vọng với bài viết trên, bạn đọc đã có được những thông tin hữu ích trong việc nhận biết các triệu chứng bệnh sùi mào gà cũng như biết các cách phòng tránh và điều trị bệnh hiệu quả. Đừng quên ghé Bloganchoi.com để tiếp tục theo dõi các bài viết hữu ích khác nữa nhé.

Xem thêm

COVID-19 có gây teo não không? Làm cách nào để phòng tránh?

COVID-19 không chỉ tàn phá sức khỏe người bệnh trong ngắn hạn mà còn để lại nhiều di chứng nguy hiểm lâu dài ảnh hưởng tới nhiều cơ quan. Các nhà khoa học đã biết căn bệnh này có thể tác động tới hệ thần kinh, nhưng liệu COVID-19 có thể gây teo não không? Hãy cùng khám phá nhé!
Theo dõi bình luận
Thông báo về
guest
0 Bình luận
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận